Việt Nam Kịch_nói

Thoại kịch tạm được chấp nhận là theo chân Đế quốc thực dân Pháp vào Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX[1] Đầu thập niên 1910, tại Hội Đấu Xảo Thuộc địa Marseilles, một số nhà kĩ nghệ như Leon Azoulay đã nỗ lực kí âm các làn điệu cổ truyện và cả kịch An Nam, trong đấy, gồm một kịch mục vui mô tả một anh kể cho bạn mình nghe truyện mình dạo chơi Paris ra sao. Nhưng tựu trung, cho đến thập niên 1920, thoại kịch chỉ được chuộng trong giới quyền quý Pháp và một số trí thức Tây học An Nam, trong khi bình dân vẫn trung thành với các loại hình lâu đời, mà thường phải thoại kèm ca.

Sơ khởi : Ảnh hưởng kịch nghệ Pháp

Tờ quảng cáo vở Bệnh tưởng do Nguyễn Văn Vĩnh dịch nguyên tác của Molière, diễn ngày 20 Tháng Tư, 1920 ở Nhà hát lớn, Hà Nội. Hội Khai Trí Tiến Đức cùng bảo trợ để quyên góp giúp tử sĩ Đông Dương chết trận ở Âu châu trong Đệ nhất Thế chiến

Vở kịch đầu tiên theo thể cách kịch nói Âu châu là Bệnh tưởng vốn là nguyên tác Le Malade imaginaire của văn sĩ người Pháp Molière do kí giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra song ngữ Việt-Hán. Nhưng mãi đến ngày 22 tháng 10 năm 1921, khi vở Chén thuốc độc[2] của tác giả Vũ Đình Long được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội thì những vở thoại kịch do chính người Việt Nam soạn mới dần xuất hiện.

Trong thời kỳ Âu phong Á vũ, khi xã hội Đông Dương lâm tình trạng kiệt quệ tài chính thì nhu cầu giải khuây trong quần chúng dâng cao. Bắt đầu từ Tự Lực văn đoàn đã manh nha thể nghiệm những hình thức văn nghệ mới. Nhiều vở thoại kịch không kể dài ngắn đều được đăng liên tục trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay do tác giả tứ phương gửi về tòa soạn. Năm 1935, thi sĩ Thế Lữ cùng các ông Lan Sơn, Lê Đại Thanh lập Ban kịch Thế Lữ tại Hải Phòng, chủ yếu diễn các vở Vi Huyền ĐắcThế Lữ. Bấy giờ, đây là ban kịch hướng đến chuyên nghiệp hóa nhất.

Sau Chiến dịch Đông Dương, hiệp ước tương nhượng Nhật-Pháp cho phép tình trạng hòa hoãn lâm thời tại các đô thị. Nhưng vì thực trạng thiết quân luật và leo thang các vụ bắn phá của phi cơ Đồng Minh, cho nên nhu cầu thưởng thức văn nghệ tại Đông Dương dần hướng nội. Điều kiện này càng kích thích thoại kịch tiến thêm một bước. Thời kì này nở rộ trào lưu lập các ban kịch, nhỏ là 5-10 người, lớn thì hàng chục với nhiều độ tuổi. Đặc tính trọng thoại và ít đòi hỏi không gian nên kịch thời này thường chuyển soạn những cổ tích hay thậm chí văn phẩm Tự Lực văn đoàn. Thoại kịch lúc này bắt đầu phân biệt thượng lưu và bình dân với những cách trình diễn khác nhau, cốt truyện và tâm lý cũng khác nhau.

Hoàng kim : Trưởng thành trong chiến tranh

Trong thời gian ngắn ngủi Việt Minh nắm quyền tuyệt đối (1945-7), thoại kịch hầu như vươn dậy tạm thời đánh bạt mọi loại hình văn nghệ khác nhờ vai trò thông tin - văn hóa. Các chính đảng cho soạn diễn những vở kịch ngắn ca tụng công đức tiền nhân và hiệu triệu quốc dân kháng Pháp, thoại kịch cũng là hình thức phổ biến Bình dân học vụ và tăng gia sản xuất.

Sau khi Việt Minh triệt thoái lên Việt Bắc, tại vùng Quốc gia Việt Nam phát triển loại hình thoại kịch tân thời phỏng các vở cổ điển Âu châu, điển hình là Molière, Shakespeare, đồng thời chuyển soạn những tích anh hùng nghĩa sĩ, anh thư liệt phụ trong kho tàng văn hóa Á ĐôngViệt Nam. Phải kể đến Nửa đêm truyền hịch (Trần Tử Anh), Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948 của Vũ Khắc Khoan) diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ khi thành phố chưa dỡ thiết quân luật. Kịch thơ cũng manh nha như các vở Tâm sự kẻ sang Tần (Vũ Hoàng Chương), Bến nước Ngũ Bồ (Hoàng Công Khanh)... Còn trên chiến khu, ban lãnh đạo Việt Minh cũng mở liên tiếp các kì đại hội văn nghệ để cổ động văn nghệ sĩ sáng tác kịch tuyên truyền chiến đấu và tăng gia sản xuất.

Sang thập niên 1950 thì ban kịch Dân Nam đã có tiếng. Vở trường kịch đầu tiên ở Việt Nam là vở Áo người trinh nữ.[1] Mười năm sau vào thập niên 1960 thì ở trong Nam đã có nhiều ban kịch như Ban kịch sống Túy Hồng. Trong khi các đoàn cải lương và hát tuồng dùng sân khấu sống, kịch nói vào giai đoạn này xuất hiện chủ yếu trên truyền hình THVN. Các đề tài lồng trong cốt truyện thường phản ảnh tình hình xã hội như các vở Gia đình Ông Ký, Ngã rẽ cuối cùng, Chuyện xảy ra lúc 0 giờ.

Môn kịch nói được giảng dạy ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ.

Diễn viên kịch nói nhiều khi là diễn viên cải lương như Kim Cương, Ba Vân, Túy Hoa, La Thoại Tân. Ngoài ra là những diễn viên không thuộc trường phái cải lương như Kiều Hạnh, Tú Trinh.

Phát triển : Phong trào xã hội hóa sân khấu

Sau Ngày Thống Nhất, cơ quan quản lý tiến hành gom nghệ sĩ vào các đoàn văn công, chấp nhận mọi loại hình biểu diễn nhằm mục đích tuyên truyền chính trị và kêu gọi nếp sống mới. Thời kì đầu, các đoàn văn công tư lập hầu như không tồn tại, ngoại trừ kịch đoàn Kim Cương được cấp phép hoạt động mà hầu hết thành viên từng làm việc cho Đoàn Văn Tác Vụ Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhưng sang giai đoạn sau, khi kinh tế ngày một khó khăn, chính phủ đành nới lỏng quản lý, dần cho phép những đội văn nghệ tư lập được biểu diễn công khai. Đây cũng là lúc nổi lên những tên tuổi như Thế Ngữ, Doãn Hoàng Giang, Lưu Quang Vũ đủ sức chiếm lĩnh sân khấu bằng những vở khai thác mạnh tâm lí xã hội Việt Nam, thay thế những vở Liên Xô, Đông Đức đã lạc hậu với thời cuộc.

Kể từ cuối thập niên 1980, khi trào lưu băng nhựa tràn vào, thoại kịch Việt Nam có cơ hội đến gần bình dân hơn bằng việc thâu băng. Lúc này, những kịch đoàn tư lập lớn xuất hiện như vũ bão nhưng cũng chóng tan đàn xẻ nghé. Truyền hình trở thành phương tiện quảng bá thoại kịch ổn định nhất. Càng về sau, hài kịch càng lấn át chính kịch, buộc những vở kịch cổ điển hoặc lành mạnh phải ghép âm nhạc vào.

Suy thoái : Cơn lốc băng đĩa lậu và Internet

Kể từ đầu thập niên 2000, các loại hình giải trí mới như phim đĩa, nhạc Internet trở nên dễ tiếp cận với mọi lứa tuổi và đẳng cấp xã hội, khiến ngành sân khấu nói chung lâm tình trạng "đắp chiếu", "thắt lưng buộc bụng". Tài tử phải đi tấu hài, tranh vai trên sóng truyền hình, khiến thoại kịch chững lại rồi sa sút. Chỉ một số kịch đoàn như Nhà hát Tuổi Trẻ, Sân khấu IDECAF, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu Nụ Cười Mới tạm tồn tại được nhờ khai thác mảng hài kịch, hề kịch và cả kinh dị, đồng tình luyến ái, du đãng. Cả chủ đề và đề tài đều nghèo dần, đua tranh "chộp giật" để câu khách. Một số sáng kiến được đưa ra nhằm cứu vãn tình thế, như điện ảnh hóa sân khấu hoặc hợp tác với các cường quốc kịch nghệ Nga, Pháp, Đức, Bỉ, Mỹ, Nhật Bản... thậm chí biến kịch thành một môn học tại các giảng đường. Cá biệt có tập đoàn FPT phối hợp Nhà Tuổi Trẻ dựng những vở kịch tình huống phát hành có phí trên Internet để ủng hộ nghệ sĩ.